NGƯỜI XƯA CHẾ MỸ PHẨM NHƯ THẾ NÀO?

Mỹ phẩm không phải là sản phẩm riêng có của thế giới hiện đại. Cách đây hàng nghìn năm, người xưa đã có màu mắt, son hồng, nước hoa, phấn trắng… dù cách chế tạo và thành phần của những mỹ phẩm thời cổ này khác nhiều so với ngày nay. 

Màu mắt
 
 Bồ hóng được sử dụng để làm màu mắt
Người hiện đại có hàng trăm các loại mỹ phẩm dành riêng cho việc làm đẹp “cửa sổ tâm hồn”. Còn người Ai Cập, Hy Lạp, châu Phi hay Trung Đông thời cổ đại sử dụng bồ hóng để tô đen cho đôi mắt. Bồ hóng được lấy từ than vụn đã được đốt cháy, tán nhỏ để làm ra một loại bột màu đen. Có thể quệt trực tiếp loại bột bồ hóng này lên mắt, hoặc pha với một chút nước để tạo độ kết dính rồi mới sử dụng. Chỉ với 1 chiếc đũa/que được vót nhọn cùng sáp mắt được pha chế từ bồ hóng, người xưa đã có thể vẽ những đường viền mắt đẹp không kém gì các mỹ nhân ngày nay sử dụng cọ để vẽ.

Cách trang điểm thủ công này giúp đôi mắt trở nên to, đậm, sâu hơn, và còn có công dụng chống sự phản chiếu trực tiếp của ánh nắng mặt trời lên vùng da mắt, vốn luôn nhạy cảm. 
Người xưa cũng đã nướng cháy hạnh nhân đến đạt được độ nâu như mong muốn, tán thành bột và trộn với bột đá để tạo thành màu mắt nâu. Màu vàng sẽ đượcc tạo ra từ đất vàng trộn với nước nghệ… Với các chiết xuất đậm chất thiên nhiên như vậy, người xưa đã có những loại màu mắt đẹp không kém gì thời hiện đại. 

Sáp hồng
 
Má hồng chế tạo từ khoáng, đất sét đỏ và mỡ động vật

Sáp hồng được người xưa pha trộn từ mỡ ngỗng cùng đất sét đỏ. Tùy theo mục đích sử dụng, tỷ lệ pha màu sẽ khác nhau. Với những người giàu, họ sẽ ướp thêm một số loại hoa như hoa hồng, hoa lan vào trong quá trình làm mỹ phẩm để tạo mùi hương đặc biệt.

Phấn trắng

Một loại bột trắng được lấy ra từ gỗ bạch dương, được gọi là chất bạch diên, đã được sử dụng như một loại bột làm trắng từ thời La Mã cổ đại. Thông minh hơn, những phụ nữ thời xưa đã trộn bột bạch diên với một số loại bột đất sét để tạo ra những tông màu khác nhau. 

Kem dưỡng da

Oliu là nguyên liệu phổ biến để người xưa tạo ra các loại mỹ phẩm

Phân cá sấu và sữa khỉ được trộn vào nhau tạo ra một hỗn hợp mềm, mịn, được các phụ nữ ở thời Cleopatra dùng để dưỡng da. Tương truyền, hỗn hợp này giúp người xưa có một làn da trơn bóng, mịn màng. Thậm chí, nhiều người còn không ngại dùng loại mỹ phẩm tự chế này để đắp mặt. 

Bên cạng loại kem dưỡng đặc biệt này thì một số loại nguyên liệu khác như dầu oliu, lưu huỳnh, giấm, dầu chiết xuất từ gan ngỗng, nước ép húng quế cũng thường được sử dụng để chế tạo mặt nạ hay các loại kem dưỡng da. 
Son môi

Ngày xưa, son được đựng trong những chiếc hộp xinh xắn

Son môi là một trong những sản phẩm làm đẹp ra đời sớm nhất trong lịch sử mỹ phẩm. Cách đây 5000 năm, con người đã biết chế tạo ra những sản phẩm để làm đẹp cho đôi môi và cách thức làm son môi cũng không ngừng phát triển theo thời gian. Tuy nhiên, luôn đi tiên phong và có những bước tiến làm son môi trong những giai đoạn mỹ phẩm còn thô sơ không phải là người Ai Cập, Hy Lạp, châu Âu hay châu Mỹ, mà là người Trung Quốc. 

Trước đời nhà Tần (221 -206 trước Công Nguyên), đôi môi đã được người phụ nữ chăm sóc rất kỹ. Vẻ đẹp của đôi môi, độ mịn và màu sắc không chỉ phản ánh sắc đẹp, mà còn nói lên giai cấp và vị trí xã hội.

Phụ nữ Trung Quốc và các thoa son đặc biệt

Màu đỏ của son được tạo thành từ nhiều thành phần, như các loại thực vật có màu đỏ, bọ cánh cứng, hay thậm chí từ máu động vật. Hợp chất màu đỏ được để thấm vào một loại giấy hoặc một loại lá đặc biệt, và làm thành một tệp. Khi cần tô son đỏ, người phụ nữ sẽ nhẹ nhàng ngậm môi vào tờ giấy này để màu đỏ lan sang môi. Tuy nhiên, do không có chất kết dính, nên son rất nhanh phai.
 Sau này, khi chế tạo son, một chút đất sét đỏ, khoáng và mỡ động vật được trộn vào để tạo  ra một dung dịch đặc sệt màu đỏ. Loại son này được tạo ra vào thời Đường – thời hưng thịnh của phong kiến Trung Quốc với sự phát triển rực rỡ của kinh tế, văn hóa, nghệ thuật… Những hũ đựng son xinh xắn, tinh xảo với nhiều hình dạng khác nhau như tròn, vuông, bầu dục, có thể cất trữ, có thể đem theo người… là một thành tựu lớn trong lịch sử chế tạo son. Ngày nay, những loại son như vậy vẫn được nhiều người ưa thích. 

Nước hoa

Hình ảnh ghi lại người xưa chưng cất nước hoa

Nước hoa đã xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, không chỉ để đem đến hương thơm cho người sử dụng, mà còn có tác dụng lấn át mùi của các mỹ phẩm được sử dụng – vốn vẫn còn “đậm chất thiên nhiên hoang dã”. Nước hoa thời xưa đã xuất hiện ở dạng lỏng và dạng đặc, được chế tạo bằng cách ngâm, dầm hoa, lá và rễ cây rồi lọc lấy tinh chất. Các loại hoa, cây lá thường được sử dụng là hoa hồng, hoa lan, lá bạc hà… Những tinh chất này sẽ được trộn vào cùng “cốt nước hoa” – hay còn gọi là Onfacio. Onfacio được chiết xuất rồi cô đặc từ nước nho và quả oliu. 

Thuốc nhuộm tóc
 
Hoa của cây lá móng được sử dụng để chế tạo thuốc nhuộm tóc màu đỏ

Từ thời xa xưa, con người đã biết đến thuốc nhuộm tóc nhằm biến đổi màu tóc và làm đẹp cho mình. Để tạo ra thuốc nhộm tóc màu vàng, người ta đốt quả và lá của cây gie gai, lấy tro này trộn với mỡ ngỗng và bôi lên tóc. Màu đỏ được tạo ra từ việc nghiền hoa của cây lá móng. Trong khi đó, để có màu đen tuyền, thuốc nhuộm được làm ra từ kim loại Antimony (ký hiệu hóa học: Sb) màu đen, mỡ động vật cùng lá cây trắc bá đã được ủ cùng dấm. Rõ ràng, từ xa xưa, việc chế tạo thuốc nhuộm tóc đã vô cùng cầu kỳ và tỉ mí.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *